Chính sách “xoay chiều”, thanh khoản nền kinh tế đã dần dễ thở

Bộ Tài chính sửa Nghị định 65 và room tín dụng được nới đang giúp khủng hoảng thanh khoản vơi bớt phần nào với doanh nghiệp.

Phát biểu tại Talk show Chọn danh mục kỳ thứ 8 với chủ đề “Chờ tín hiệu tích cực”, các chuyên gia đánh giá cao ý nghĩa các động thái chính sách gần đây với thị trường.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT và là Giám đốc môi giới Hội sở CTCK Mirae Asset cho rằng, chúng ta đang chứng kiến sự “quay xe” của chính sách hiện tại, gồm cả sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ và tăng cung tiền (nới room tín dụng).

Cách đây 2 tháng, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng thanh khoản, trầm trọng hơn cả giai 2010-2012. Thị trường trái phiếu mất niềm tin, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường cổ phiếu thanh khoản tốt hơn nhưng nhà đầu tư phải dùng dòng tiền để bù đắp thanh toán, trả nợ dài hạn…

“Tuy vậy, sự “quay xe”, xoay chiều của chính sách cho thấy, các cơ quan quản lý đã thấy thị trường cần được hà hơi tiếp sức để đi qua cuộc khủng hoảng thanh khoản. Tôi đánh giá đây là động thái phù hợp ở hiện tại và sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực hơn, dễ thở hơn về mặt thanh khoản cho thị trường”, ông Tuấn nhận định.

Theo các chuyên gia, room tín dụng còn lại trong 2 tuần còn lại của năm 2022 là khá lớn, song do danh sách khách hàng chờ vay vốn cao nên ngân hàng vẫn có thể tăng tốc giải ngân kịp.

Riêng về dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có 5 điểm sửa đổi đáng chú ý, giúp doanh nghiệp phát hành dễ thở hơn.

Thứ nhất, dự thảo cho phép “hoãn” nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm 1 năm. Thứ hai, hoãn xếp hạng tín nhiệm thêm 1 năm. Thứ ba, thời gian phân phối trái phiếu là 90 ngày (giữ nguyên theo Nghị định 153 thay vì giảm còn 30 ngày theo Nghị định 65). Thứ tư, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ được giãn thời gian đảo nợ tối đa là 2 năm khi được 65% trái chủ đồng ý. Thứ năm, cho phép doanh nghiệp phát hành và trái chủ được thoả thuận với nhau để chuyển đổi trái phiếu sang tài sản khác hoặc khoản vay.

“Cá nhân tôi đánh giá, dự thảo Nghị định sửa đổi này nếu được ban hành sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Nghị định này sẽ tạo thêm không gian, thời gian và dư địa, cho doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu lại tình hình tài chính, thoả thuận lại với các trái chủ, hoán đổi tài sản từ trái phiếu sang các tài sản khác. Đây là thông tin tốt cho thị trường chứng khoán và bất động sản. Vừa qua, thị trường chứng khoán đã phục hồi khá tốt, thanh khoản cũng có sự cải thiện”, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích CTCK AIS nhận định.

Mặc dù áp lực thanh khoản tạm thời sẽ dịu bớt khi doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian 1-2 năm để xoay xở, song câu chuyện dòng tiền của nền kinh tế hay thanh khoản của từng doanh nghiệp vẫn là câu chuyện phải bàn thêm.

Hiện nay, doanh nghiệp đang huy động vốn ở 3 nguồn vốn chính: tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu. Việc NHNN vừa nới room tín dụng góp phần giúp nền kinh tế dễ thở hơn. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp bất động sản – vốn được coi là lĩnh vực rủi ro – việc tiếp cận vốn tín dụng là không dễ, nhất là với dự án cao cấp, xa xỉ. Vì vậy, để thoát khỏi khó khăn thanh khoản, các doanh nghiệp này sẽ phải cơ cấu lại chiến lược bán hàng, chiết khấu giá mạnh để tạo được dòng tiền, thậm chí phải chấp nhận bán lỗ.

Chính vì vậy, mặc dù thị trường đang phản ứng tích cực với dự thảo sửa đổi Nghị định 65, ông Nguyễn Minh Tuấn vẫn khuyến cáo, nhà đầu tư nên thận trọng lựa chọn với cổ phiếu bất động sản, nên lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực tài chính khỏe mạnh, quỹ đất sạch…

Về vốn cho doanh nghiệp bất động sản, ông Phùng Trung Kiên cho rằng, năm tới, các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải phát hành trái phiếu theo hướng chuẩn chỉnh hơn và phải tìm kiếm nguồn bổ sung mới.

Theo đó, có 4 nguồn vốn trung, dài hạn mà doanh nghiệp ngành này phải tính tới năm 2023.

Thứ nhất, phải bán bớt các dự án không ưu tiên để tập trung vốn cho các dự án ưu tiên. Thứ hai, khả năng năm 2023 thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trở lại, doanh nghiệp bất động sản có thể tập trung phát hành cổ phiếu để huy động vốn khi thị trường trái phiếu vẫn khó khăn. Thứ ba, tìm kiếm các đối tác chiến lược để bổ sung vốn, năng lực quản lý, đầu tư, kỹ năng bán hàng. Thứ tư là phát hành trái phiếu quốc tế.

“Những chính sách chấn chỉnh lại thị trường trái phiếu vừa qua đã làm ảnh hưởng tới thị trường trong ngắn hạn song là tích cực cho trung, dài hạn. Thời gian tới, khi chính sách được điều chỉnh theo hướng minh bạch hơn, các doanh nghiệp bất động sản phải cơ cấu lại và phải đa dạng hoá nguồn vốn. Tôi nghĩ rằng, hiện các doanh nghiệp bất động sản cũng đang có những tính toán thay đổi về cơ cấu nguồn vốn dài hạn trong tương lai”, ông Kiên nhận định.