Chuyển đổi số trong bất động sản còn chậm

Dù được xác định là xu hướng tất yếu của thị trường, song việc chuyển đổi số trong ngành bất động sản còn chậm so với nhiều lĩnh vực khác.

Khoảng 2 năm trở lại đây, cuộc đua ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản diễn ra rất sôi động, công nghệ trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị của lĩnh vực bất động sản, từ tiếp thị, kinh doanh, quản lý bất động sản, đến chăm sóc khách hàng.

Chia sẻ về trải nghiệm mà công nghệ mang lại, chị Dương Thùy Linh (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, đầu năm 2021, chị đặt mua căn hộ diện tích 60 m2 tại một dự án ở quận 12 với giá 2,4 tỷ đồng. Đến cuối năm, do cần tiền, chị liên hệ với nhân viên môi giới để tìm khách bán lại với giá 2,7 tỷ đồng, gửi phí cho môi giới là 2%, nhưng sau hơn 5 tháng vẫn chưa bán được.

“Sau gần nửa năm gửi hàng cho môi giới mà vẫn không tìm được khách mua, tôi quyết định đưa sản phẩm lên nền tảng giao dịch online và chưa đầy 1 tháng sau đã bán thành công”, chị Linh kể và cho biết thêm, cách thức giao dịch rất đơn giản, chỉ cần tải ứng dụng về, đăng đầy đủ thông tin, hình ảnh sản phẩm cần bán, hệ thống sẽ hiển thị rõ ràng các chi phí và mức giá bán, nên khách hàng không lo bị ép giá hay tăng phí.

Theo báo cáo từ JLL, cuộc cách mạng 4.0 đang thay đổi hoàn toàn phương thức mua bán và quản lý bất động sản trên toàn thế giới. Công nghệ ngày càng phát triển, các ứng dụng mới nhất như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), bản đồ GIS… sẽ phục vụ cho quyết định của người mua.

Một máy tính được kết nối vào hệ thống Internet, truy xuất dữ liệu và tư vấn ngay lập tức, đáp ứng toàn bộ yêu cầu từ phía khách hàng.

“Điều tuyệt vời nhất của công nghệ là kết nối hàng triệu người chỉ trong một màn hình. Người mua bất động sản dần thay đổi hành vi mua của mình và người bán đang chuyên nghiệp hơn”, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL nói.

Là doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ trong việc bán hàng, ông Trần Thế Anh, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi cho hay, việc áp dụng công nghệ là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận những khách hàng có nhu cầu ở thực, tăng tính cạnh tranh, khẳng định tiềm lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, giao dịch bằng hình thức trực tuyến sẽ tạo điều kiện giúp dự án minh bạch hơn, khách hàng có thể nắm được đầy đủ thông tin chủ đầu tư, pháp lý dự án, thiết kế, tiến độ…

Không thể phủ nhận việc áp dụng chuyển đổi số vào kinh doanh sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn. Nếu không tham gia chuyển đổi số, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của mọi doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tiến trình chuyển đổi số trong bất động sản tại Việt Nam hiện vẫn còn chậm.

Nguyên do bởi các chủ thể tham gia thị trường không phải ai cũng nhận thức về công nghệ đầy đủ. Trong khi đó, công nghệ phức tạp, yêu cầu bảo mật cao, dữ liệu bất động sản ở Việt Nam chưa tốt, vốn đầu tư vào quá trình chuyển đổi số còn yếu…

Theo ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land, nhược điểm của chuyển đổi số trong bất động sản tại Việt Nam là chưa có dữ liệu người dùng lớn. Bên cạnh đó, lực lượng nhân sự có trình độ công nghệ cao, nắm bắt tốt về bất động sản đang thiếu rất nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị phát triển chuyển đổi số.

“Những khó khăn này khiến tốc độ ứng dụng công nghệ vào bất động sản còn chậm, đi sau một số ngành, lĩnh vực khác. Hơn nữa, việc chuyển đổi số trong bất động sản chưa toàn diện, mà thông thường mỗi đơn vị chỉ giải quyết một góc nhỏ nhu cầu của thị trường, chủ yếu ở mảng cho thuê. Về lâu dài, ứng dụng công nghệ vào bất động sản là xu hướng tất yếu, doanh nghiệp nào chậm chân sẽ không thể cạnh tranh được”, ông Chung nói.

Tương tự, theo ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA, tại Việt Nam, chuyển đổi số còn chưa được coi trọng đúng mức, một trong những lý do chính là tư duy người quản lý. Họ chưa thực sự quyết liệt, chưa có kế hoạch, lộ trình rõ ràng, tư duy chưa đồng bộ, tổng thể. Vì vậy, ngay cả khi áp dụng chuyển đổi số sớm, nhiều doanh nghiệp cũng chưa chắc thành công.

“Hiện nay có rất nhiều phần mềm, công ty cung ứng dịch vụ công nghệ, nên việc lựa chọn cũng khá đa dạng. Để đảm bảo ứng dụng hiệu quả thì phải lựa chọn hợp lý, chọn đúng các phần mềm phù hợp với nhu cầu cốt lõi mà doanh nghiệp mình cần. Ngoài ra, phải hoạch định chi phí rõ ràng để tìm được phân khúc công nghệ phù hợp, tránh lãng phí vào những công nghệ không dùng đến”, ông Phạm Lâm khuyến cáo.