ĐIỂM LẠI TIN TỨC NỔI BẬT TRONG TUẦN

Từ ngày 30/01/2023 – 05/02/2023 có những tin tức nổi bật đáng chú ý sau đây:

1. Ngân hàng tuần qua: Cổ phiếu ”khai xuân” tích cực, cuộc đua lãi suất hạ nhiệt

Ngành ngân hàng tuần qua ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
19 mã ngân hàng tăng giá trong phiên ”khai xuân”
Cổ phiếu ngân hàng khởi đầu năm Quý Mão với phiên giao dịch đầy hứng khởi, sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng điện tử.
Kết phiên giao dịch 27/1, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 19/27 mã tăng giá, trong đó NAB (+7,4%) và OCB (+5,1%) là 2 mã tăng giá mạnh nhất. Các mã tăng mạnh tiếp theo có thể kể đến TPB (2,1%), VIB (2%), ACB (1,3%),…
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn lại hạ nhiệt sau thời gian tăng mạnh vừa qua như BID (-3%), CTG (-2,4%), TCB (-0,2%), STB (-0,6%), EIB (-0,6%). Các cổ phiếu đứng giá tham chiếu là VCB, VBB, BVB.
Thanh khoản toàn ngành đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó VPB là cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất đạt 482 tỷ đồng, tiếp đến là TPB (313 tỷ đồng), STB (230 tỷ đồng).
Nhiều ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi ngay sau Tết
Như tại Techcombank , mức lãi suất huy động cao nhất ở ngân hàng này là 9,2%/năm. Trong khi trước tết, con số này là 9,5%/năm.
Tại Sacombank , trước đây mức lãi suất cao nhất mà nhà băng này huy động là 9,8%/năm. Tuy nhiên, đến nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 9,2%/năm áp dụng cho tiền gửi online, kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng.
Tại PVCombank cũng có hiện tượng tương tự. Trước đây, lãi suất cao nhất ở ngân hàng này là 9,9%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, đến hiện tại, loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm.
Saigonbank – ngân hàng đầu tiên niêm yết mức lợi tức tiền gửi lên đến 10,5%/năm trong năm ngoái cũng đã có hành động hạ lãi suất. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 9,5%/năm, áp dụng cho các khoản tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, cả online lẫn tại quầy.
OceanBank – một ngân hàng trước đây cũng đã từng niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên đến 10%/năm, hiện mức lợi tức cao nhất chỉ còn 9,2%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng đã hạ lãi suất cao nhất như DongABank (từ 9,85% xuống còn 9,5%/năm); BacABank (từ 9,8%/năm xuống còn 9,5%/năm); VietCapitalBank (từ 9,5%, hiện tại chỉ còn 8,9%/năm).

2. NHNN bơm hơn 31.700 tỷ vào thị trường ngay sau Tết Nguyên đán

Tổng cộng, NHNN đã bơm ròng gần 122.000 tỷ vào hệ thống ngân hàng trong tháng 1/2023.

Dữ liệu về diễn biến giao dịch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thị trường mở cho thấy, cơ quan này đã liên tục bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong 3 phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán 2023.
Cụ thể, trong phiên hôm qua (31/1), Nhà điều hành đã thực hiện mua kỳ hạn 24.034 tỷ đồng giá trị giấy tờ có giá từ 10 thành viên thị trường, qua đó bơm ra lượng tiền Đồng tương ứng hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng. Đồng thời, có gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu do NHNN phát hành trước Tết đáo hạn, qua đó trả lại hệ thống ngân hàng số tiền tương ứng.
Ở chiều ngược lại, có 26.879 tỷ đồng các hợp đồng mua giấy tờ có giá đáo hạn, tương ứng lượng tiền NHNN hút về.
Tính chung, NHNN đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng 12.155 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối cùng tháng 1. Trước đó, cơ quan này cũng đã bơm ròng lần lượt 10.923 tỷ đồng và 8.655 tỷ đồng trong phiên giao dịch 30/1 và 27/1.
Như vậy, trong 3 phiên sau Tết, Nhà điều hành đã bơm ròng cho các ngân hàng 31.733 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lượng lớn tín phiếu phát hành trước Tết đáo hạn. Đáng chú ý, trong 3 phiên này, NHNN không thực hiện bất kỳ giao dịch bán tín phiếu nào để hút tiền về, cho thấy quan điểm hỗ trợ thanh khoản của cơ quan quản lý tiền tệ.
Trước đó, NHNN cũng đã liên tục ở trạng thái bơm tiền cho hệ thống trong tuần giao dịch trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán, với khối lượng lũy kế đạt gần 78.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm.
Tổng cộng, lượng tiền NHNN bơm ròng trong tháng 01/2023 đạt gần 122 nghìn tỷ đồng, cao hơn quy mô hút ròng 92,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, NHNN không còn hỗ trợ thanh khoản với kỳ hạn dài 91 ngày như tháng 12/2022 mà chỉ tập trung ở các kỳ hạn 7-14 ngày,
NHNN tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống sau kỳ Tết trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng vẫn neo ở mức cao. Theo số liệu cập nhật đến ngày 30/1, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 6,17%/năm, cao hơn mức 6,09% ghi nhận trước khi nghỉ Tết và tăng khoảng 1,7 điểm % so với cuối năm 2022.

3.CTCK ngược dòng thành công, VN-Index hướng tới vùng 1.160 điểm rồi lại “phút chốc đảo chiều” giảm sốc phiên đầu tháng

VN-Index mở cửa phiên cuối tháng chìm trong sắc đỏ phần lớn thời gian nhưng lực kéo mạnh trong phiên chiều giúp chỉ số đóng cửa ở mốc cao nhất trên ngưỡng 1.110 điểm. Đà ngược dòng thành công ghi nhận nhờ sự phục hồi của nhóm bluechips, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán… Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,61 điểm (+0,78 %) lên 1.111,18 điểm. HNX-Index tăng 1,65 điểm lên 222,43 điểm. Đà mua ròng của khối ngoại trong phiên cũng đã chững lại khi bán ròng hơn 100 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, ngay đầu tháng 2 thị trường chứng khoán Việt Nam lại có một pha “quay xe” khi VN-Index bất ngờ giảm sâu 35 điểm để vụt mất mốc quan trọng 1.100. Không ít cổ phiếu vốn hoá lớn “phút chốc đảo chiều” để kết phiên với biên độ giảm sâu trên 5% như VPB, MSN, VHM, STB, BID, thậm chí GVR giảm sàn.
Mức giảm 3,17% đưa VN-Index vào top các chỉ số giảm mạnh nhất Châu Á, đi ngược diễn biến khả quan của nhiều thị trường lớn trong khu vực. Theo đó, giá trị vốn hóa HoSE tương ứng bị thổi bay 140.500 tỷ đồng chỉ sau một phiên giao dịch.
Cú đảo chiều bất ngờ của thị trường chứng khoán tạo ra tâm lý không mấy tích cực cho nhà đầu tư. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích Chứng khoán DSC nhận định chỉ số VN-Index đã chứng kiến nhịp giảm nhanh, giảm sâu và có phần bất ngờ. Trong bối cảnh như vậy, hành động phù hợp nhất với nhà đầu tư để đối phó cho những pha rơi bất ngờ tương tự lại cần phải bắt đầu từ khâu chuẩn bị.
Trên thực tế, ông Đạt cho biết kể từ sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, các chỉ báo đo lường động lượng của VN-Index hay bối cảnh định giá thị trường đều chỉ ra rằng nhà đầu tư cần chốt lời một phần tỷ trọng cổ phiếu. Đặc biệt khi yếu tố chu kỳ “mua tháng 12, bán tháng 1” không còn tiếp sức cho thị trường. Do đó, mục tiêu của chốt lời từng phần là làm giảm biến động tài khoản trong các nhịp rung lắc, giúp nhà đầu tư duy trì tâm lý vững vàng, đồng thời có lượng tiền mặt nhất định để chủ động cho các vị thế mua mới.

4.Thị trường bất động sản hồ hởi sau chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là “nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp”.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng có liên quan sẵn sàng để tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.
Ngay sau chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản khá hồ hởi. Trao đổi nhanh với chúng tôi, anh Ngọc – Giám đốc một sàn bất động sản cho biết mặc dù những chỉ đạo chưa thể tác động ngay đến thị trường nhưng thông tin trên mang lại niềm tin mới cho thị trường bất động sản sau Tết.
Được biết, cuối năm 2022, Chính phủ đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với sự tham gia của các bộ, ngành. Tổ công tác đã khẩn trương làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp bất động sản lớn để lắng nghe và tìm hướng xử lý khó khăn cho các đơn vị.
Mặc dù chưa thể tác động ngay đến thị trường bất động sản nhưng những động thái quyết liệt tháo gỡ của Chính phủ đã giúp thị trường bất động sản nhanh chóng có thêm niềm tin và khởi sắc hơn. Nếu những vướng mắc của thị trường hiện nay sớm được tháo gỡ, nguồn vốn khơi thông trở lại sẽ “đánh thức” được niềm tin của thị trường. Khi đó, thị trường bất động sản sẽ hồi phục mạnh mẽ, tạo cú huých để thúc đẩy các ngành khác trong nền kinh tế.