Doanh nghiệp bất động sản đón ánh bình minh

Hai nút thắt chính của thị trường là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền đang dần được tháo gỡ. Đây được xem như là “ánh bình minh” đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Đánh giá chính xác tình hình thị trường
Chia sẻ về những nội dung trong Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 33) về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, các thành viên trong thị trường đều có chung quan điểm rằng, Chính phủ đã đánh giá chính xác tình hình thị trường hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan.
Đặc biệt, Chính phủ đã đưa ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn bó hữu cơ với sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp.
Đồng thời, Nghị quyết 33 cũng đề ra một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Trong đó, nổi bật là giải pháp tháo gỡ hai nút thắt chính của thị trường là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền (tín dụng, vốn trái phiếu doanh nghiệp). Cụ thể, về vốn, doanh nghiệp bất động sản khó khăn sẽ được xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ.
Những động thái tích cực của Chính phủ đã cho thấy quyết tâm của chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, giúp nhà đầu tư lấy lại niềm tin với bất động sản.
Các dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch cũng được tạo điều kiện vay vốn. Ngoài ra, các dự án bất động sản có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch trả nợ cũng sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) tin tưởng, Nghị quyết 33 sẽ hỗ trợ tích cực thị trường bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Theo ông Phúc, nguồn cung sản phẩm nhà ở vừa túi tiền là quan trọng nhất, mà để tăng nguồn cung thì thủ tục cấp phép dự án phải nhanh và việc hỗ trợ tạo quỹ đất là cực kỳ quan trọng. Mọi vấn đề sẽ được giải quyết khi thủ tục pháp lý được thông thoáng, thuận lợi hơn. Khi đó, doanh nghiệp có cơ sở bán sản phẩm ra thị trường để thu tiền từ khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đủ điều kiện cho vay để có dòng tiền giải quyết những khó khăn.
“Những hành động quyết liệt thời gian qua của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản, phần nào lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải pháp sớm được hiện thực hóa, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải quyết liệt hơn nữa”, ông Phúc khuyến nghị.
Nhà đầu tư lấy lại niềm tin
Trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn, chủ đầu tư Dự án Lotus Residence tại quận 7 (TP.HCM), sau nhiều năm gặp vướng mắc về pháp lý khiến dự án phải nằm bất động, thì nay đã được lãnh đạo UBND TP.HCM tập trung xử lý, giải quyết.
Theo đó, Dự án Lotus Residence được chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 10 năm nay, nhưng vì gặp vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài chính nên khách hàng mua đất tại đây không thể xây dựng được. Trước thực trạng này kéo dài, khách hàng rất bức xúc, thậm chí còn tố chủ đầu tư bội tín, lừa đảo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Dương Tuấn Tú, Tổng giám đốc Công ty Anh Tuấn chia sẻ, chẳng doanh nghiệp nào muốn nhìn thấy dự án của mình phải nằm “bất động” cả. Bởi để có tiền thực hiện dự án, chủ đầu tư cũng phải đi vay mượn khắp nơi. Vì vậy, khi dự án “nằm bất động” thì cũng có nghĩa là dòng tiền của doanh nghiệp bị đóng băng.
Sau nhiều lần nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường xin được thực hiện nghĩa vụ tài chính cho dự án, đồng thời chủ động liên hệ với các sở, ban, ngành khác, với mong muốn được thực hiện nghĩa vụ này… Mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM đã quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan xử lý những vướng mắc tại dự án để khách hàng có thể xây dựng nhà ở.
“Mặc dù mọi việc đều phải giải quyết theo quy trình, nhưng động thái tích cực này của Chính phủ và chính quyền thành phố cho doanh nghiệp thấy sự quyết tâm và giúp nhà đầu tư lấy lại niềm tin với bất động sản”, đại diện Công ty Anh Tuấn phấn khởi.
Ở một góc độ khác, chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng cho rằng, Nghị quyết 33 chỉ đạo giảm 1,5 – 2% lãi suất, nhưng chỉ cho đối tượng vay mua nhà ở xã hội, còn nhà ở thương mại không được vay. Nghị quyết cũng chỉ đạo cho các chủ đầu tư, dự án khả thi tiếp cận vốn vay. Nhưng thực tế, việc tiếp cận vốn vẫn rất khó khi yêu cầu phải xong pháp lý, tức là phải đóng xong tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng, trong khi để ra được giấy phép xây dựng cho một dự án phải mất ít nhất 3 – 5 năm. Vậy nên, để thị trường mau chóng khởi sắc, cần thông thoáng các điều kiện cho vay, cùng với đó, tích cực tháo gỡ vướng mắc về pháp lý. Đây là cách hữu hiệu nhất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và thị trường phát triển bền vững.