Ngân hàng tuần qua: NHNN hút ròng hơn 94.000 tỷ, lãi suất hạ nhiệt

Cả lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng đều có xu hướng giảm trong tuần qua.

Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh hút tiền

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở lại kênh hút tiền bằng tín phiếu sau hơn 1 tháng tạm dừng. Ngày 20/12, NHNN đã hút 20.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,37%/năm. Ba phiên sau đó (21-23/12), NHNN cũng hút mỗi phiên thêm 20.000 tỷ đồng, tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3,98%/năm. Theo đó, tổng cộng NHNN đã hút về 80.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong tuần qua.

Song hành với việc mở lại kênh tín phiếu, NHNN đã dừng nghiệp vụ mua kỳ hạn giấy tờ có giá (OMO) 91 ngày, và chỉ còn sử dụng nghiệp vụ OMO 7 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng.

Với việc đẩy mạnh hút tiền qua tín phiếu và giảm hỗ trợ thanh khoản qua nghiệp vụ OMO, tính chung tuần qua, NHNN đã rút ròng ra khỏi hệ thống 94.034 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 80.000 tỷ qua kênh tín phiếu và 14.034 tỷ đồng qua kênh OMO đáo hạn.

Xu hướng hút ròng của NHNN diễn ra trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu ở các kỳ hạn ngắn, và tỷ giá USD/VND bật tăng vào đầu tuần.

Theo số liệu của NHNN, trong phiên giao dịch 22/12, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống còn 3,77%/năm – mức thấp nhất trong 2 tháng gần đây.

Ngoài ra, lãi suất các ngân hàng vay mượn nhau trên liên ngân hàng ở các kỳ hạn 3-6 tháng cũng giảm mạnh. Từ mức cao nhất trên 11%/năm, đã giảm về còn 6,86%/năm (3 tháng) và 8,93%/năm (6 tháng).

Sau khi NHNN hút mạnh tiền về, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng cũng đã hạ nhiệt. Kết tuần, giá USD tại Vietcombank được mua – bán ở mức 23.400 – 23.750 VND/USD, giảm 10 đồng ở giá mua nhưng tăng 30 đồng ở giá bán so với cuối tuần trước.

Loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động sau chỉ đạo “rắn” của NHNN

Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi ngân hàng có dấu hiệu chững lại và hạ nhiệt trong tuần qua. Theo đó nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu niêm yết lãi suất huy động theo hướng đi xuống, với mức giảm khoảng 0,4 – 1% đối với từng kỳ hạn.

Diễn biến trên xuất hiện sau lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).

Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có Công văn số 454/HHNH-PLNV ngày 09/12/2022 báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả cuộc họp và kiến nghị Thống đốc một số giải pháp hỗ trợ các NHTM liên quan đến hỗ trợ thanh khoản từ nay đến hết Tết nguyên đán 2023, đồng thời thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

”Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ”, ông Tú nhấn mạnh.

Trong ngày 22/12/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã có văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời, NHNN cho biết sẽ theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này.

NHNN sẽ theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này.

19 ngân hàng Việt lọt Top 500 NH mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

The Asian Banker mới đây đã công bố Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có 19 ngân hàng thương mại Việt Nam và 1 ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam lọt vào danh sách.

Danh sách 500 được The Asian Banker lựa chọn dựa trên sức mạnh của bảng cân đối kế toán các ngân hàng, với một số tiêu chí như khả năng sinh lời, quản trị rủi ro, chất lượng tài sản, tính thanh khoản,…

Một số chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn được xem xét như quy mô tổng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn (CAR), Tỷ lệ nợ xấu,..

Sắc đỏ chiếm áp đảo tại nhóm cổ phiếu ngân hàng

Trong tuần giao dịch vừa qua (19-23/12/2022), sắc đỏ chiếm chủ đạo ở nhóm ngân hàng khi ghi nhận 20/27 mã giảm giá, chỉ một mã không thay đổi và còn lại 6 mã tăng giá.

Cổ phiếu “bốc hơi” mạnh nhất là KLB của Kienlongbank, giảm tới 17,8% xuống còn 12.500 đồng/cp. Nhiều mã ngân hàng mất trên 5% trong tuần qua như ABB (-5,9%), MBB (-5,6%), VIB (-5,5%), VAB (-5,4%), TCB (-5,3%).

Ở chiều ngược lại, một số mã diễn biến tích cực như STB tăng 3,1%, OCB tăng 2,9%, SSB tăng 1,8%, EIB tăng 1,6%.

Thanh khoản khớp lệnh toàn ngành tuần qua đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tương đương 2.600 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 2.900 tỷ đồng/phiên của tuần trước. STB vẫn là cổ phiếu dẫn đầu với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tiếp đến là VPB (2.600 tỷ đồng), SHB (1.100 tỷ đồng),…

Tính cả giao dịch thỏa thuận, thanh khoản nhóm ngân hàng tuần qua đạt 1,15 tỷ cổ phiếu, tăng 21% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch tương ứng đạt 23.131 tỷ đồng. Sự hồi phục này chủ yếu đến từ các giao dịch lớn của cổ phiếu EIB.

Cụ thể, có gần 241 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch trong tuần qua, tương đương giá trị 6.712 tỷ đồng, với phần lớn là các giao dịch thỏa thuận. Tính chung cho cả 5 ngày giao dịch, hơn 5.100 tỷ đồng cổ phiếu EIB đã được trao tay thông qua phương thức này.