Những ngân hàng có triển vọng kinh doanh tốt và an toàn năm 2023

Năm 2022, có 10 ngân hàng sở hữu lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có một ngân hàng lần đầu tiên góp mặt trong danh sách này. Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo sẽ chậm lại trong năm 2023, song vẫn có nhà băng tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung nhờ chiến lược kinh doanh hiệu quả và chất lượng tài sản an toàn.
Những năm trở lại đây, mức lợi nhuận nghìn tỷ đã trở nên phổ biến trong ngành ngân hàng khi hơn một nửa số nhà băng trong hệ thống đã vượt qua mốc này. Sự chú ý của nhà đầu tư giờ đây hướng tới “câu lạc bộ 10.000 tỷ lợi nhuận” – nơi tập trung các ngân hàng có quy mô tài sản và nguồn vốn vượt trội đi cùng “công thức quản trị” và cả chiến lược kinh doanh khác biệt..
Năm 2022 vừa qua, có 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ là Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, Agribank, VPBank, VietinBank, ACB, VIB và HDBank.
Trong đó, HDBank lần đầu tiên gia nhập nhóm này với lợi nhuận lập kỷ lục mới, lên mức 10.268 tỷ đồng. Chỉ số ROE và ROA của HDBank năm 2022 đạt lần lượt 23,5% và 2,1%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước và nằm trong Top ngân hàng có hiệu quả sinh lời cao nhất hệ thống. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng duy trì được chất lượng tài sản lành mạnh với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ ở mức 1,3%.
Trong năm 2023, giới phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại so với mức nền cao năm 2022 trước những áp lực đối với biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản trong trung hạn, trong bối cảnh lãi suất tăng, thị trường vốn và bất động sản thắt chặt hơn.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.
Nhóm phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13 – 15% trong năm 2023, trước áp lực từ các yếu tố vĩ mô lạm phát, tỷ giá và bất ổn chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn. Trong khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) chịu áp lực giảm đến giữa năm 2023 do lãi suất huy động tăng nhanh và CASA tăng chậm lại. Đồng thời, nợ xấu có xu hướng gia tăng do sự đóng băng của thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế.
Tại chương trình “Mùa đại hội tìm cơ hội” do công ty chứng khoán MBS tổ chức ngày 31/03, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS đánh giá, các ngân hàng đang đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với năm trước. Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cũng được các ngân hàng thiết lập thận trọng hơn.
“Năm nay chúng ta sẽ không thấy ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30-40%. Chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 20% đã là rất kinh khủng”, ông Tuấn đánh giá.
Trước đó, kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới với 56,4 – 75,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022; 95,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022; còn 2,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022.
Thực tế, trong kế hoạch kinh doanh năm nay hầu hết các ngân hàng đều đưa ra con số lợi nhuận mục tiêu khá thận trọng.
Theo đó, ba ngân hàng quốc doanh đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10 – 15%. Các ngân hàng tư nhân lớn như ACB, MB, VPBank và SHB cũng đặt mục tiêu từ 10 – 17% tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 dù năm trước có thể đạt mức 30 – 40%. Thậm chí, Techcombank dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 giảm 14%.
Cao hơn mặt bằng chung, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 13.197 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2022. Với mức lợi nhuận trên, ROE và ROA của HDBank dự kiến cải thiện so với năm ngoái, lần lượt đạt 24,5% và 2,3%. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát không quá 2%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động thị trường 1 để đảm bảo nguồn vốn lõi và an toàn thanh khoản cho hoạt động toàn hàng và đáp ứng tăng trưởng tín dụng được NHNN giao và tỷ lệ LDR quản trị nội bộ. Ngoài ra, ngân hàng sẽ cải thiện tỷ lệ CASA, trung hòa chi phí vốn.
HDBank được biết đến có nền tảng khách hàng tốt và chiến lược phát triển bền vững, hướng tới khách hàng tại các đô thị loại 2 và nông thôn. Việc ít bị ảnh hưởng bởi nợ xấu từ bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể là yếu tố giúp HDBank tự tin với kế hoạch lợi nhuận khủng này. Tính đến cuối năm 2022, HDBank nắm giữ chỉ có 4.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương chỉ 1,6% tổng dư nợ. Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết số trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo và được thanh toán đầy đủ, đúng hạn. HDBank cũng là ngân hàng có tỉ lệ cho vay kinh doanh bất động sản thấp chỉ ở mức 7,9% tổng dư nợ.
Nhận định về triển vọng kinh doanh năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, HDBank có khả năng sinh lời tốt và tăng trưởng bền vững. Theo đó, ngân hàng này có tỷ lệ NIM điều chỉnh theo rủi ro mạnh mẽ với chênh lệch lãi suất cho vay-tiền gửi phù hợp. Tỷ lệ nợ xấu hình thành cũng được kiểm soát ở mức tốt, giảm áp lực lên chi phí tín dụng biên và NIM điều chỉnh theo rủi ro.
Ánh Dương
Tổ Quốc