ĐIỂM LẠI TIN TỨC NỔI BẬT TRONG TUẦN

Từ ngày 09/01/2023 – 14/01/2023 có những tin tức nổi bật đáng chú ý sau đây:

1. Thông xe đường vành đai 2 trên cao Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy

Sau hơn 4 năm thi công, đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở đã đi vào hoạt động
Sáng 11-1-2023, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ thông xe dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch bằng hình thức hợp đồng BT (Hợp đồng xây dựng – chuyển giao).
Sau khi lưu thông, đường Vành đai 2 tạo sự kết nối thuận tiện và thông suốt trên trục đường huyết mạch của thành phố, giảm tình trạng ách tắc giao thông. Đặc biệt, cư dân sinh sống bên khu vực phía Đông Hà Nội sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển sang các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân. Nhờ đó, việc tiếp cận với các tiện ích trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính, văn hóa…trên trục đường này trở nên dễ dàng hơn.
Đây cũng là lý do khiến bất động sản khu vực phía Đông tăng nhiệt thời gian gần đây, nhiều bất động sản, kể cả nhà đất hay chung cư đều trở thành lựa chọn lý tưởng cho công nhân viên chức và sinh viên làm việc, học tập tại các cơ quan, trường học nằm trên trục đường Vành đai 2.

2. Chứng khoán Việt Nam có xác suất tăng vượt trội trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán

“Con số thường không biết nói dối”. Thống kê trong lịch sử hơn 22 năm đã qua, chỉ số VN-Index có tới 16 lần tăng điểm trong 1 tuần giao dịch trước Tết.
Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhắc đến Tết Nguyên Đán, nhà đầu tư thường có tâm lý lo ngại khi tâm lý nghỉ lễ thường khiến thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền trong tài khoản để phục vụ cho các hoạt động sắm Tết và phòng tránh rủi ro từ thị trường quốc tế hay dịch bệnh.
Tuy nhiên, “con số thường không biết nói dối”. Thống kê trong lịch sử hơn 22 năm đã qua, chỉ số VN-Index có tới 16 lần tăng điểm trong vòng 5 phiên trước Tết, thậm chí mức tăng còn rất tích cực so với những lần ít ỏi giảm điểm.
Có thể thấy chứng khoán Việt Nam thường khá hưng phấn trước khi đóng cửa “ăn Tết Âm”. Hầu hết mức tăng đều ghi nhận trên 2%. Thậm chí trong năm 2008, VN-Index bứt phá đầy mạnh mẽ với đà tăng xấp xỉ 11% chỉ trong 5 phiên, năm 2001 cũng ghi nhận tăng gần 9%. Gần hơn, liên tiếp trong 6 năm gần nhất thì tới 5 năm chỉ số chính của TTCK Việt Nam diễn biến khởi sắc vào tuần sát Tết, riêng năm 2019 VN-Index gần như đi ngang với mức giảm chỉ 0,02%.
Dù thống kê chỉ mang tính chất tham khảo nhưng việc quá khứ ghi nhận tích cực cũng giúp nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam có thêm niềm tin, đặc biệt có thể tận dụng khoảng thời gian quý giá này để duy trì chiến lược, giữ những cổ phiếu kỳ vọng còn dư địa tăng thậm chí mua vào những mã tiềm năng.
Thêm nữa, mặc dù có quãng hồi phục tích cực từ giữa tháng 11/2022 tới nay song định giá chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở vùng tương đối thấp so với quá khứ, P/E của VN-Index hiện đạt 11,02 lần, tương đương với các đợt khủng hoảng trong quá khứ và thấp thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 15,x lần. Điều này được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền đầu tư dài hạn giải ngân quyết liệt hơn trong năm 2023, qua đó tạo động lực phục hồi cho thị trường.

3. Chính phủ chỉ đạo ‘nóng’ thị trường bất động sản năm 2023

Trong năm 2023, Chính phủ sẽ ưu tiên cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký, ban hành Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Theo đó, Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ , giải pháp với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, Chính phủ yêu cầu chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.
Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản , bảo đảm phát triển công khai, minh bạch, an toàn, ổn định, lành mạnh, bền vững.
Triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi.
Tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, rà soát xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, cho vay không đúng quy định của pháp luật.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xử lý 6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả đã được Bộ Chính trị cho chủ trương.