Xuất hiện tâm lý: Nhà đầu tư “cố gồng” tài sản, sợ lỡ mất cơ hội vào cuối năm

Mặc dù “đuối” về tài chính, một số nhà đầu tư vẫn cố giữ tài sản để kì vọng bán chênh vào thời điểm cuối năm.

Ghi nhận cho thấy, sau đợt siết tín dụng, nhiều nhà đầu tư dù chưa đến mức bán tháo, bán lỗ nhưng “gồng” tài chính để chờ thị trường là trạng thái dễ thấy nhất ở giai đoạn vừa qua.

Dù câu chuyện “nới” tín dụng chưa được đánh giá tác động đến tình hình đầu tư, mua bán BĐS nhưng theo các chuyên gia, tác động nhìn chung là tích cực, có tác dụng như một liều “doping” cho thị trường.

Thời gian qua, thị trường BĐS chứng kiến 2 trạng thái nhà đầu tư đối lập: Nhà đầu tư “đuối” tài chính muốn bán ra nhanh nhưng thanh khoản chậm (không giảm giá, chỉ giảm kì vọng lợi nhuận); Nhà đầu tư có tài chính dồi dào quan sát, “chờ” hàng ngộp để mua vào và một trạng thái là nhà đầu tư “cố gồng” để chờ thời điểm thị trường tốt lên. Với những nhà đầu tư đang cố giữ tài sản, mặc dù đuối tài chính chính là đối tượng để các nhà đầu tư có tiền “nhắm” đến tìm hàng ngộp giá.

Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, những nhà đầu tư cố “gồng” tài sản lại đang kì vọng sẽ bán được giá tốt vào cuối năm nay, khi thông tin tín dụng được “cởi mở”. Đa số những nhà đầu tư này có sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS. Khi gặp khó khăn, xuất hiện 2 trạng thái là muốn bán bớt tài sản (nhưng khó) và giữ lại tài sản khả quan để hưởng chênh lệch cao khi thị trường ổn định.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, anh Kh. và nhóm nhà đầu tư đã “gồng” tài sản ít nhất 4 tháng nay. Trước thời điểm siết tín dụng, nhóm anh Kh chưa có ý định bán ra mà chờ giá tăng cao, với kì vọng sẽ hốt bạc tỉ 2 mảnh đất nông nghiệp. Tuy nhiên, cuối tháng 5/2022, thông tin siết tín dụng khiến thị trường BĐS trầm lắng, hoạt động đầu tư ngưng hẳn. Do vay ngân hàng để đầu tư nên anh Kh và nhóm bạn khá sốt ruột. Đúng như dự tính, giữa tháng 5/2022, anh Kh rao bán bớt 1 mảnh đất hơn 3.000m2 tại Đồng Nai nhưng không bán được. Chờ thêm 1 tháng sau đó, anh Kh cũng không thấy dấu hiệu khả quan từ thanh khoản.

Được biết, giá mảnh đất anh rao chênh so với giá mua vào tầm 500 triệu đồng – đây là mức giá hợp lý với mặt bằng chung thị trường khu vực. Tuy nhiên, vì rao mãi không bán được, anh Kh và nhóm bạn quyết định “dừng rao”, chờ thời điểm cuối năm nếu thị trường ổn lại, sẽ bán với giá chênh cao hơn. Dĩ nhiên, để giữ lại, nhóm NĐT này phải tính đến phương án “gồng lãi” ngân hàng.

Hiện tại, thông tin nới tín dụng đã khiến nhóm đầu tư anh Kh. “thở phào” nhẹ nhõm, kì vọng sẽ bán chênh giá cao vào thời điểm cuối năm, bù lại khoản lãi ngân hàng phải “gồng” mấy tháng qua.

Thực tế, vừa qua, thị trường BĐS xuất hiện không ít nhà đầu tư “gồng” để chờ thị trường. Có nhiều nhà đầu tư cố bán bớt tài sản để giải quyết câu chuyện dòng vốn, tuy nhiên, bán cũng không được nên đành giữ lại. Một số khác thì dù đuối tài chính nhưng nhắm thấy tình hình thị trường có thể hồi phục vào cuối năm nên cố gồng để chốt mức chênh cao (tiếc tài sản khi bán sớm). Đó cũng chính là lý do, thời gian vừa qua, dù gặp khó, thị trường BĐS rất ít trường hợp bán tháo, bán lỗ.

Theo một số chuyên gia trong ngành, mặc dù những tác động tích cực về nới room tín dụng sẽ không diễn ra quá nhanh mà cần có thời gian phù hợp. Tuy nhiên, có thể thấy rõ là niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại. Trong đó, những nhà đầu tư đang mang tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) – sợ cơ hội sẽ qua đi và không thể tận dụng được. Những người này có thể mang niềm tin rằng kinh tế vĩ mô đang duy trì được đà hồi phục sau đại dịch, một giai đoạn tăng trưởng mới đang bắt đầu. Vậy nên, họ sẽ tìm cách dùng đòn bẩy tài chính sớm và phù hợp nhất để hướng đến các mục tiêu lợi nhuận về sau.

Một số chuyên gia bình luận, việc nới room tín dụng dù khiến tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại, nhưng nếu hiểu đúng thì việc “nới” này không dùng cho tất cả các đối tượng trên thị trường BĐS. Với những người vay vốn mua đất để đầu cơ, để phân lô bán nền, mua đất nông nghiệp khắp nơi, lướt sóng mua bán sang tay ngắn hạn, đã và sẽ gặp khó khăn khi cần vay ngân hàng để mua vào quỹ đất lớn dù room tín dụng đã được nới. Đồng thời, họ cũng gặp khó khăn hơn khi cần ra hàng, vì người mua lại các lô đất nhỏ đã được phân cũng khó vay ngân hàng tương tự.

“Việc này sẽ khiến một bộ phận nhà đầu tư gặp khó, nhưng thị trường đầu tư đất nền sẽ lành mạnh và ổn định hơn. Những nhà đầu tư đất nền bắt buộc phải sử dụng tiền nhàn rỗi và đầu tư trong trung – dài hạn (5-10 năm) chứ không thể lướt sóng ngắn hạn đẩy giá lên liên tục như 3 năm qua”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Theo Hạ Vy – Nhịp sống thị trường